Thiền là cốt lõi "thường trụ" của Phật giáo

Thứ tư - 14/12/2016 03:37 Đã xem: 2578
Vậy việc thực hành Thiền Phật giáo là rất cần được phổ biến trong tất cả Phật tử Việt Nam dù tu theo pháp môn nào. Nếu phật tử, lo trang hoàng bàn thờ Phật, luôn tinh tấn trong việc dâng hoa, quả, lễ bái Phật hàng ngày với lòng thành,
Thiền là cốt lõi "thường trụ" của Phật giáo

và miệng tụng: Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật mà thân chưa học và thực hành Thiền tức chưa học theo con đường của Ngài thì liệu rằng việc nhận đức Phật là “Bổn sư”, nghĩa là “Thầy của con” còn có  ý nghĩa không?. 


Chuyên xưa: Vào năm 29 tuổi, Thái tử Siddhārtha (Tất Đạt Đa) ra khỏi cổng kinh thành, cho người xà ích Chandaka đem toàn bộ đồ trang sức và con ngựa trở về Hoàng cung [1], một mình đi bộ vào rừng mong học đạo tìm cầu giác ngộ. Trước tiên Siddhārtha gặp một người đi săn, bèn xin đổi y phục bằng lụa của mình lấy bộ y phục bằng vải thô màu vàng. 

Với bộ y phục bằng vải thô, Siddhārtha tiến đến gặp một vị sa-môn (śramaṇa) đang tu khổ hạnh tên Ārāḍa Kālāma. Thái tử xin học đạo và Ārāḍa Kālāma chấp nhận Siddhārtha làm đệ tử [2]. Ārāḍa Kālāma dạy Thái tử thực hành Thiền để đạt “Chân không” (sphere of nothingness). 

Thái tử đã dùng toàn thân tâm để thực hành theo thầy Ārāḍa và tiến bộ rất nhanh, chẳng bao lâu sau, đạt tới tất cả những gì Ārāḍa đã dạy. Thầy Ārāḍa lấy làm ngạc nhiên và rất có ấn tượng tốt trước sự thành công này của Thái tử nên gợi ý Thái tử cùng ông lãnh đạo nhóm khất sĩ lang thang của mình. Tuy nhiên vị Phật tương lai (bấy giờ Thái tử chưa thành Phật, nên gọi vị Phật tương lai hay sẽ gọi là Bồ tát) vẫn không bằng lòng với học thuyết của thầy Ārāḍa. “Học thuyết này không đưa đến sự như như, không tham dục, sự diệt khổ, sự tĩnh lặng, trí sáng suốt, giác ngộ hay giải thoát, nhưng chỉ chuyển đến “cảnh giới không có gì”, nghĩa là “đang nhận biết không có gì cả, trong một trạng thái trừu tượng thâm sâu”. Ngài bèn từ chối đề nghị của thầy Ārāḍa và xin ra đi. Rồi ngài đến gặp vị sa-môn thứ hai tên Udraka Rāmaputra. Học thuyết của vị này gần giống như của Ārāḍa nhưng đưa đến kết quả  xa hơn, là đạt “cảnh giới phi tưởng phi phi tưởng” (sphere of neither perception nor non-perception), và thậm chí còn cao hơn nữa, là có thể tới tình trạng tái sinh (transmigrate). Nhưng sau đó, Bồ tát vẫn chưa bằng lòng vì chưa tìm thấy giác ngộ. 

Như vậy là sau 6 năm tu khổ hạnh với lần lượt hai vị thầy, Bồ tát nhận ra con đường tu khổ hạnh của hai vị thầy không đưa đến giác ngộ viên mãn, nên từ bỏ và ra đi. 

Trên con đường dẫn tới Magadha (Ma Kiệt Đà) ngài tới gần một khu rừng, nơi đây ngài được hai cô gái Nandā và Nandabalā, con một ông trưởng thôn, đã tặng Bồ tát cháo sửa ngọt [3]. Sau khi dùng cháo sữa ngọt, Bồ tát bước tới một cây Bồ đề (Bodhi tree), được tán dương bởi Long vương Kālika, ngài ngồi xuống gốc cây, nhập định trong 49 ngày đêm. Vào đêm cuối cùng, ngài lần lượt thâm nhập vào bốn tầng thiền (four stages of meditation, dhyāna), đạt trạng thái toàn giác, giải thoát khỏi mọi nỗi khổ cũng như vui. Trong quá trình thiền định đêm cuối cùng này, ngài đạt tam minh (vidyā) lần lượt vào đầu đêm, giữa và cuối đêm: minh thứ nhất là nhớ lại toàn bộ cuộc sống của tất cả những kiếp trước của ngài; minh thứ hai là hiểu được việc luân hồi của chúng sinh trong 6 cõi tùy theo nghiệp thiện hay ác của mỗi chúng sinh; và minh thứ ba là khám phá ra Bốn Sự Thật Cao Quí [4] (Tứ Thánh Đế, Tứ Diệu Đế, Four Noble Truths, āryasatya)

Như vậy, lịch sử Phật giáo khẳng định Thái tử Tất Đạt Đa (Siddhārtha) trở thành đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Śākyamuni Buddha) thông qua phương tiện là thực hành Thiền (dhyāna).

Chuyện nay: Hiện nay Phật giáo đã và đang phát triển tại các nước Âu Mỹ. Đặc biệt trong giới trí thức, giới tinh hoa tiến bộ vì triết học Phật giáo tỏ ra phù hợp với khoa học thực nghiệm hơn những tôn giáo độc thần (Ki tô giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo…) lấy hòa bình làm nền tảng cho việc giải quyết các xung đột trên thế giới và việc thực hành Thiền đã chứng tỏ đem lại lợi ích thiết thực cho sức khỏe, ổn định tâm lý, khiến cho con người trở nên kiên nhẫn hơn, đằm tính hơn, dễ chế ngự vượt qua được những khủng hoảng tinh thần. Người ta đã và đang thí nghiệm đưa việc thực hành Thiền vào các trường học giúp học sinh không những tránh được những bộc phát nhất thời tiêu cực trong tâm lý học sinh và còn giúp học sinh dễ tập trung tư tưởng cho việc tiếp thu kiến thức. Trong quân đội và trong các nhà tù việc dùng Thiền như là một liệu pháp giúp chế ngự các bộc phát tiêu cực cũng đã và đang được dùng.
Trong khi đó ở Việt Nam ta, một đất nước mà Phật giáo được xem như chiếm đa số thì sao? Ngoài các thầy, sư cô, cư sĩ thuộc các Đạo tràng của Thiền phái Trúc Lâm thì có thực hành Thiền trong các sinh hoạt hàng ngày. Ngoài một số khóa tu mùa hè ngắn ngày cho các học sinh như tại Thiền viện Tây Thiên (Vĩnh phúc) ở phía Bắc và tại chùa Hoằng Pháp, Tp.Hồ Chí Minh v.v.. ra thì cần phải chân thành mà nói đại đa số các thầy, sư cô, các phật tử tại các Đạo tràng khác, các gia đình phật tử,…có thể nghe nói về Thiền, bàn luận sâu xa về Thiền, v.v… nhưng chưa bao giờ thực hành Thiền! Có lẽ trong các chương trình tu học từ Trung cấp. Đại học, Cao học, rồi đây là Tiến sĩ Phật học tại các Học viện Phật giáo hiện nay cũng không có việc dạy thực hành Thiền!
Xã hội nước ta đang ở trong tình trạng rất nhiều người trẻ, trung niên “dùng bản năng tham, sân, si” để giải quyết nhiều vấn đề trong cuộc sống, đem lại những tổn thất rất đau lòng về sinh mạng và tài sản của nhân dân, của quốc gia, mà báo đài đang phơi bày. Tình trạng này có thể được giảm bớt nếu người ta biết thực hành Thiền mỗi ngày khoảng độ 15 phút đến nửa giờ như phương Tây chứng minh.
Vậy việc thực hành Thiền Phật giáo là rất cần được phổ biến trong tất cả phật tử Việt Nam dù tu theo pháp môn nào. Nếu phật tử, lo trang hoàng bàn thờ Phật, luôn tinh tấn trong việc dâng hoa, quả, lễ bái Phật hàng ngày với lòng thành, và miệng tụng: Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật mà thân chưa học và thực hành Thiền tức chưa học theo con đường của Ngài thì liệu rằng việc nhận đức Phật là “Bổn sư”, nghĩa là “Thầy của con” còn có  ý nghĩa không?. 

Cư sĩ Chánh Lập
--------------------------
Tài liệu tham khảo:
1. John S. Strong, The Legend of King Aśoka, Prnceton University Press, Princeton N.J., 1983, p. 247
2. A. K. Indian Buddhism, Motilal Banarsidass Publishers Private Limited, Delhi, 1997, pp.46-47)
3. John S. Strong, The Legend of King Aśoka, Prnceton University Press, Princeton N.J., 1983, p. 248
4. A. K. Indian Buddhism, Motilal Banarsidass Publishers Private Limited, Delhi, 1997, p. 48
 
Cư sĩ Chánh Lập đã giảng dạy tại Đại học Huế từ 1964 tới 1984, giảng dạy tại Đại học Sư Phạm Tp HCM từ 1984-2001. Cũng đã từng dạy thỉnh giảng tại Khoa Quản Lý Công Nghiệp Đại học Bách Khoa TpHCM và chương trinh Fulbright Việt Nam (do Harvard mở tại Tp HCM từ năm 1995). Ngoài một số giáo trình và sách về Toán và Thống kê dành cho sinh viên, đã viết một bộ số sách học tiếng Phạn, sách về Thần chú, nhiều bài báo chuyên về GIáo dục, xã hội và Phật giáo. 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây